dịch vụ luật sư, tư vấn luật, công ty luật, luật sư, luật sư hà nội

Thuốc Việt: Thắng số lượng, thua giá trị

Cập nhật: 8/4/2015 | 9:14:43 AM

Với trên 2 tỷ USD, năm 2014, kim ngạch nhập khẩu dược phẩm của nước ta tăng 8,3% so với năm 2013. Trong đó, nhập khẩu dược phẩm từ các thị trường có kim ngạch trên 100 triệu USD chiếm 20%.


Tăng trưởng tổng giá trị tiêu thụ thuốc và chi tiêu bình quân đầu người cho dược phẩm
(Nguồn: Cty Cổ phần Chứng khoán FPT)

Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại - Bộ Công Thương (VITIC) cho biết, năm 2014, Việt Nam nhập khẩu dược phẩm từ 30 thị trường trên thế giới. Trong đó, dược phẩm nhập khẩu có nguồn gốc từ Ấn Độ chiếm thị phần lớn nhất với 13,1% tổng kim ngạch, đạt 267 triệu USD, tăng 7,75% so với năm 2013. Đứng thứ hai là Pháp, chiếm 11,7%, với kim ngạch 239,4 triệu USD, nhưng so với năm 2013, tốc độ nhập khẩu hàng dược phẩm từ thị trường này lại giảm nhẹ, giảm 4,57%...

Giá trị thấp

Trong khi đó, theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), tính đến nay, số cơ sở sản xuất thuốc, vaccine trong nước đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành sản xuất tốt) đã lên tới hơn 130 doanh nghiệp, trong đó có 104 doanh nghiệp sản xuất tân dược, 25 doanh nghiệp sản xuất đông được và 4 cơ sở sản xuất vaccine. Các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được khoảng 12.000 loại thuốc với 520 loại hoạt chất. Nếu so với khoảng 11.000 loại thuốc ngoại trên thị trường thì thì thuốc Việt đang “thắng thế” số lượng nhưng lại thua về giá trị. Thuốc ngoại dù ít hơn về số lượng nhưng giá trị có hơn, diện bao phủ rộng hơn tới gần 1.000 hoạt chất, trong đó có nhiều loại thuốc đặc trị, thuốc hiếm có giá trị về kinh tế rất lớn. Vì thế dù chi phí tiêu dùng thuốc bình quân của người Việt đã lên ở mức 31,18 USD/người/năm nhưng phần lớn là mua thuốc ngoại. Giá trị tiền thuốc nội địa sử dụng ở bệnh viện cũng như trên thị trường tự do chỉ xấp xỉ 48% tổng trị giá thị trường.

Cũng thống kê của Cục Quản lý dược, thuốc nội hiện có tới 260 tên thuốc cùng hoạt chất hạ nhiệt, giảm đau, 223 tên thuốc cùng là vitamin hoặc thuốc bổ. Trong khi đó, các loại thuốc đặc trị, bào chế phức tạp như thuốc giải độc, gây mê, thuốc tim mạch hầu như không sản xuất được.

Phát triển thuốc generic và dược liệu

Nếu so với khoảng 11.000 loại thuốc ngoại trên thị trường thì thì thuốc Việt đang “thắng thế” số lượng nhưng lại thua về giá trị.

Theo TS Trương Quốc Cường, để đạt được mục tiêu, giúp cho thuốc Việt dần thay thế thuốc ngoại nhập và chiếm lĩnh thị trường nội địa, chúng ta sẽ phải phát triển ngành công nghiệp dược theo hướng chuyên môn và hiện đại hóa để có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển sản xuất thuốc generic (là thuốc tương đương sinh học với biệt dược về các tính chất dược động học và dược lực học, được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược đã hết hạn), phát triển công nghiệp hóa dược. Đặc biệt, đẩy mạnh phát huy tiềm năng thế mạnh là các loại thuốc dược liệu, thuốc nam.

Theo ông Cường, để đảm bảo chất lượng thuốc, ngành dược ưu tiên cho thuốc có vùng trồng nguyên liệu ổn định, có giống được định danh. Bao lâu nay, mong ước của ngành dược Việt Nam là phát triển và nâng tầm các cây thuốc quý đã có từ ngàn đời của các lương y Việt Nam. “Hàn Quốc chỉ có một cây nhân sâm mà họ làm được như vậy, Việt Nam có đến 4.000 loài cây có thể dùng làm thuốc thì tại sao không thành lập được những CLB cây dược liệu có tiềm năng về doanh thu, xóa đói giảm nghèo cho nông dân các vùng trồng dược liệu”- ông Cường chia sẻ.

Hiện Bộ Y tế đang triển khai xây dựng Danh mục 40 dược liệu có tiềm năng khai thác và phát triển thị trường để làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ, đầu tư, khuyến khích phát triển dược liệu trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Trong chiến lược phát triển ngành dược đến 2020, tầm nhìn 2030 vừa được Chính phủ ký ban hành, mục tiêu của ngành dược là chiếm lĩnh 80% thị phần thuốc phòng và chữa bệnh đến 2020. Và theo ông Trương Quốc Cường, Luật đấu thầu 2013 cho phép các thuốc Việt Nam đã sản xuất được, đảm bảo khả năng cung ứng, đảm bảo về chất lượng điều trị thì doanh nghiệp không được chào thuốc ngoại khi tham gia thầu. Những chính sách tương tự là cơ hội cho thuốc sản xuất trong nước phát triển. Nhưng có nắm được cơ hội này hay không còn phụ thuộc vào tầm nhìn, sự năng động của từng doanh nghiệp dược.

Bản quyền 2021 © Công ty luật Hà Nội VDT

Địa Chỉ: Tầng 3 toà nhà Savina số 1 Đinh Lễ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện Thoại: +84989316320 - Fax: +84989316320 - Email: trantien@ngheluat.vn

dịch vụ luật sư, tư vấn luật, công ty luật, luật sư, luật sư hà nội